Biến Chất - Chương 18
Cũng đã sắp vào năm học mới nên mẹ tôi đã mua sách vở cho tôi đầy đủ, tôi chẳng hề thiếu một thứ gì so với bạn đồng trang lứa. Nhớ lúc trước khi không có ba, tôi thường bị bắt nạt ở trường cũ và sách vở của tôi sẽ chẳng còn nguyên vẹn trong ngày đầu tiên đến lớp. Có ba thật tốt, tôi thầm nghĩ, nếu như chị tôi cũng cảm thấy như vậy thì tốt biết mấy.
Chị tôi không được mua sách mới, ba tôi nói, học ngu thì mua làm gì. Chị cũng chẳng vòi nữa, chỉ đến khi giáo viên chủ nhiệm gọi điện về nhà và yêu cầu ba mua sách vở thì họa chăng, ba sẽ đưa cho mẹ hai trăm ngàn đi mua sách giáo khoa và vở viết. Chị còn chẳng có hộp bút giống như tôi, chị tôi nói, chị thường mượn ở lớp và thường là mượn không trả nên quanh năm chẳng cần mua bút cũng được.
Tôi lớp bốn, còn chị đã lên cấp hai, lúc trước ba nói sẽ chuyển tôi về học lại trường cũ để chị em tôi cùng đi học cho dễ dàng, dù gì thì hai trường cũng nằm sát nhau. Tuy nhiên đã vào học từ lâu, ba mẹ vẫn chẳng làm thủ tục chuyển trường cho tôi. Và đồng nghĩ với điều đó, chị tôi phải đạp xe chở tôi đến trường tôi trước, rồi mới đi vòng lại để tới trường của chị.
Mới đó mà đã sắp tới Trung Thu, chị tôi ấy vậy mà được mời tham gia vào đội văn nghệ dự thi ở xã. Chị tôi còn là nhân vật chính mới ghê. Tôi thầm nghĩ, nhiều khi cũng thật tự hào về chị, và tất nhiên tôi sẽ chẳng bao giờ thú nhân việc đó trước mặt chị, lúc ấy chắc chắn chị sẽ vênh mặt lên và cười đắc ý với tôi.
Tối hôm ấy là thứ bảy, tôi được đi với chị đến nhà văn hóa xóm để xem chị tập múa, thật ra thì tôi đến đó đa phần chơi với bọn nhóc trong xóm. Nhà văn hóa xóm An Ninh nằm trên một ngọn dốc thoai thoải, phía ngay bên cổng có một cây phượng cao lớn chẳng biết đã sống ở đó bao nhiêu năm. Nhà bác Hòa ở ngay gần đó nên nhiều khi cũng tiện, bác thường cung cấp nước sạch và bánh kẹo cho đội văn nghệ nên được nhiều người yêu quý lắm.
Đứng giữa sân, tôi thấy bóng chị không thể lạc đi đâu được trong nhóm người tụm lại ở bậc thềm nhà văn hóa. Chị tôi cười tươi hơn mọi ngày. Ở nhà chị chẳng bao giờ vui cười như thế, có chăng cũng chỉ có đôi lần khi tôi cù chị ấy và khi hai chị em chơi đánh bài mà không xảy ra xung đột. Chị mặc cái áo phông có in những hình mặt cười ngộ nghĩnh, trông chị như đang bơi trong cái áo rộng thùng thình ấy, và đi kèm với cái áo đó là chiếc quần xoóc lửng màu đen. Chị toàn mặc đồ cũ của người ta cho mà chẳng bao giờ được khoác lên một chiếc áo mới bao giờ, chị không như tôi, tôi thầm nghĩ tôi vẫn sướng hơn chị rất nhiều.
Chị cột mái tóc chấm ngang vai thành một cái chỏm sau gáy, chị bỗng nhiên linh hoạt hẳn, tôi phải thừa nhận rằng chân tay chị rất dẻo. Những chỗ mà người khác không uốn được chị lại làm được một cách rất dễ dàng.
“Hạ múa thế là quá tốt rồi đấy, còn con Xuân, cái đoạn xoay cổ tay cháu làm nhanh hơn một chút được không… nhanh nhưng phải dẻo, cháu nhìn con Hạ rồi làm theo là được…” Bác Khánh là người dạy bọn họ tập múa, bác ta khen chị tôi không ngớt, nào là hát hay, nào là múa dẻo…
Ngoài chị tôi là nhân vật chính ra, bên cạnh còn có một người múa phụ không thể thiếu, đó là chị Xuân – chị gái của thằng Tèo. Chị ta có làn da trắng hồng và nói chuyện rất khôn khéo, ai cũng khen chị Xuân nhà ông Quát khôn trước tuổi. Đấy là lúc các bà mẹ so sánh con gái mình với chị Xuân, còn giữa các bà hàng xóm với nhau, tôi thậm chí còn nghe được nhiều lời hay hơn từ miệng họ nữa. Họ nói chị Xuân sát chồng vì gò má cao, còn nói chị Xuân mới lớp bảy đã yêu đương nhăng nhít, vân vân và mây mây…
Chị Xuân cười cười với chị tôi, chị ta khen chị tôi múa đẹp và tỏ ra cực kì khiêm tốn, muốn học hỏi. Còn chị tôi cũng chẳng thấy phiền gì, nói chuyện lại vô cùng thân mật với chị Xuân.
Tôi chẳng thích chị Xuân cho lắm, trông chị ta rất giả dối, lí do vì sao thì tôi không rõ, nhưng cái cách cười giả lả của chị ta lại khiến tôi ngứa mắt và thật sự tôi muốn kéo chị tôi về nhà còn hơn.
Chị tôi đang nói chuyện vui vẻ thì nghe thấy tiếng bác Hòa gọi, bác nói chị vào nhà bác rồi xách giùm bác cái ấm nước chát lên để mọi người cùng uống cho đỡ nhạt miệng. Chị tôi vâng lời và tất tả chạy đi.
Tôi và thằng Lợi, thằng Quý, còn cả thằng Tiến cùng mấy anh thanh niên choai choai tụ tập trước sân nhà văn hóa xóm, nhóm thì chơi đánh bài, nhóm chơi đá cầu, nhóm thì chỉ ngồi tám chuyện. Tôi thì tập tành chơi chuyền bóng, vì sân cũng không rộng như sân bóng nên chỉ có thể chơi trong phạm vi quy mô nhỏ. Cả đám đang chơi vui thì thằng Tèo từ đâu đi tới, tôi lúc đó còn không để ý, vẫn mải miết dõi mắt theo hướng chuyền bóng của thằng Lợi.
“Tao cũng chơi!” Thằng Tèo chặn quả bóng lại, hếch mặt lên trời nói.
“Cũng được…” Thằng Lợi chắc cũng hơi e ngại thằng Tèo sẽ nổi khùng, nó nhường, “Vậy thì ra chỗ khác rộng hơn chơi đi, chơi năm người mà chỗ này thì chật quá!”
“Làm gì có chỗ nào nữa mà chơi!” Thằng Quý nói, “Nhìn coi, mọi người đông đúc như vậy, tìm được chỗ này chơi đã khó, còn đổi được đi đâu?”
“Vậy thì một thằng ra, còn tao vào chơi!” Thằng Tèo mở miệng, nó nói như ra lệnh.
Thằng Tèo vừa thốt lên câu này là cả đám chẳng dám ho he. Thằng Lợi thì liếc ngang liếc dọc, tôi nghĩ chắc nó đang tìm anh trai nó để cầu cứu.
“Vấn đề là ai chịu ra cho mày chơi đây?” Tôi cười khinh khỉnh hỏi cả đám.
Thằng Tèo lia ánh mắt sắc đến chỗ tôi, nó chỉ vào mặt tôi: “Mày cút! Để bố mày chơi!”
Thằng bố láo! Tôi thầm chửi. Mẹ nó thằng này nhiều khi thật sự khiến tôi muốn xông lên và đấm cho nó vài phát. Thế nhưng nó cao lớn hơn tôi, tôi biết chắc sẽ chẳng nắm được phần thắng nên tôi đành nuốt cơn tức xuống. Tuy nhiên cục tức này rất khó nuốt.
“Tại sao tao phải đi?” Tôi hất cằm với nó, “Tao đến đây chơi trước rồi, mày kiếm chỗ khác mà chơi!”
“Này…” Thằng Tèo kéo dài giọng vẻ cảnh báo, “Tao nói một lần thôi! Tao cứ thích chơi bóng ở đây đấy, thì làm sao?! Mày có cút ra ngoài không! Tao điên lên tao đấm gãy răng đấy!”
Thú thật ngoài chị tôi ra, tôi chẳng bao giờ nói chuyện vượt quá giới hạn với bất kì ai, giống như thách thức một người nào đó để làm một chuyện điên rồ. Nhưng hình như thằng Tèo nó có một thứ gì đó khiến tôi sôi máu. Đến mức chỉ cần mỗi lần nhìn thấy mặt nó thôi, tôi đã chẳng muốn nói chuyện và ngay lập tức tránh ra thật xa. Tôi ghét cái đôi chân trần chẳng bao giờ mang dép của nó, cái quần cũ xì mặc hết lần này đến lần khác và cái hơi hám khó chịu đầy bụi bặm của nó.
Tôi chẳng ghét người nghèo, nhưng tôi ghét sự bẩn tưởi. Với tôi, thằng Tèo là sự bẩn tưởi đến từ một gia đình vô giáo dục, một người cha nghiện ma túy và một người mẹ ham cờ bạc. Không, vốn không phải tôi ghét thằng Tèo, mà là tôi ghét cái nơi sinh ra nó, khiến nó nhuốm đầy bụi bẩn mà gia đình nó chẳng bao giờ chịu sửa đổi và dọn dẹp.
Tôi biết tôi không có quyền ghét bỏ gia đình người ta, hay thậm chí là cách giáo dục của bọn họ, nhưng tôi vốn chính là một kẻ ích kỉ, tôi ghét luôn cả cái xã hội này, cái xã hội chẳng hề có một nhân tính nào, một xã hội nghèo túng đến mức lũ người nghèo dẫm đạp lên nhau, giày xéo nhau để chen chân vào tìm một chỗ đứng. Mà chỗ đứng đó có phải là chỗ cao sang gì, người ta chỉ muốn đứng xem chuyện gia đình nhà ông Tư làm đám tang to như thế nào, họ đứng soi mói con dâu nhà kia lang chạ với thằng cha bán bún ngoài đường ra sao…
Tôi thậm chí lúc ấy còn hồn nhiên cho rằng, xung quanh tôi ai cũng là người tốt, bọn họ cho nhau những nụ cười giả lả và những cái bắt tay hời hợt để thể hiện tình bạn, tình đồng hương.
Thằng Tèo không cùng một loại người như tôi, nó chịu đựng được cảnh nghèo túng, nhưng tôi thì không. Tôi không chịu đựng nó nhưng tôi muốn từ một nơi nghèo túng để lớn lên và sống, sống để không thua kém bất cứ kẻ giàu có nào trên đời.
Hôm đó tôi và thằng Tèo đã lao vào đánh nhau, đúng như dự đoán của mọi người.
“Hai thằng này lại đánh nhau! Tao đi mách bác Tình đến bắt chúng mày cho mà xem!” Hình như là tiếng nói của anh An.
“Ha ha…” Một người khác lại cười nói, “Để yên xem thằng nào thắng đã! Bọn con nít đánh nhau ấy mà! Đừng can!”
“Đúng rồi Tuấn! Đấm chết bà nội nó đi!” Tiếng thằng Lợi đứng cổ vũ.
Tôi bị nó dùng móng tay cào toác má, khóe miệng tôi cũng bị đấm đau rát. Tôi có cảm giác như một lần nữa tôi lại bị thay răng. Và cái cảm giác đó tôi không hề muốn nhận lại chút nào.
Chúng tôi đánh nhau rất hăng, đến nỗi ngay cả người lớn cũng sợ sự tàn bạo của thằng Tèo. Quả thật nó rất khỏe, nó đánh tôi dã man, cảm giác ấy không giống như lúc chị dùng roi đánh vào mông tôi, nó là cuộc chiến giữa những người đàn ông. Có nghĩa là, mặc dù đau, nhưng thằng đàn ông nào cũng muốn thắng.
Trước mặt chị, tôi thường bị chị xem là thằng đàn bà, thế nhưng sau lưng chị, tôi vẫn muốn mình thắng ở mọi cuộc chơi như một thằng đàn ông chân chính. Cho dù máu có chảy, cho dù có gãy tay gãy chân, hiếu thắng vẫn là một bản năng ở những “thằng đàn bà” như tôi.
Giữa đám người hò hét xem chúng tôi đánh nhau, chỉ một mình chị tôi xông vào và lôi cổ tôi ra móng vuốt của thằng Tèo. Tôi có cảm giác mắt mình đã mờ đi rất nhiều, đến khi bình tĩnh lại, tôi nhân ra mình đã khóc. Lạ thật, lúc đánh nhau với nó tôi hùng hổ lắm, đến lúc nhìn thấy chị thôi, tôi lại khóc. Thế nhưng tôi chỉ để cho một mình chị nhìn thấy, lúc mọi người vây quanh tôi, tôi đã lau hết nước mắt và đôi mắt đã ráo hoảnh nhìn lại bọn họ như chẳng hề có vấn đề gì.
“Mẹ thằng chó này!!!” Chị tôi trừng mắt nhìn thằng Tèo, chị gào lên khiến mọi người đều giật mình, “Mày đánh ai?!! Mày oai lắm đúng không?!! Muốn chơi hả? Được, tao chơi với mày!!!”
Nói rồi, chị lao lên, chị không để thằng Tèo kịp bình tĩnh đã đấm đá túi bụi khiến nó phải ôm đầu tránh né.
“Thôi Hạ ơi, trời ơi ai ra mà can thằng Tèo lại đi!” Chẳng biết là ai hô lên mà sau đó nhốn nháo hẳn.
Thằng Tèo nghiến răng, nó hét lên một tiếng như để lấy lại tinh thần: “Mẹ mày! Tao đập chết chị em nhà mày luôn! Tao đập chết cả nhà mày luôn!”
Chị tôi cũng đang sôi máu, chị thách thức không suy nghĩ: “Mày ngon đánh đi! Tao lại vả cho gẫy hàm!!!”
“Rồi đó! Mày nói đó!” Thằng Tèo nghiến răng nghiến lợi nhìn chị tôi hằm hằm, tôi bỗng dấy lên một cảm giác không hay, hình như thằng Tèo điên lên thật rồi.
Người bình thường khi điên lên vẫn còn cứu vãn được, vì họ vẫn có một bộ não với tư duy không khác với mọi người, như chị tôi đây. Còn người điên? Người đã điên rồi khi điên lên thì chỉ có bác sĩ mới may ra có thể cứu, huống hồ còn với bộ óc với cách tư duy đặc biệt khác với người thường của thằng Tèo, có lẽ còn quá sớm để đoán rằng chị tôi đánh được nó lần nữa.
Và đúng là thế thật, thằng Tèo ôm một tảng đá trên tay, nó dùng hai tay nâng lên giơ cao quá đầu. Nó thét lên một tiếng để chứng minh cho sự điên rồ của mình và lao về phía chị tôi. Chị tôi cũng không điên nữa, chị giật mình và khoảnh khắc thằng Tèo sắp chạy đến nơi, chị co giò bỏ chạy.
Được cái chị tôi chạy cũng nhanh.
“Chạy đi! Đứng đó nó chọi cho chết à?!!” Chị tôi quay đầu lại, hét lên với tôi đang đứng trân trân nhìn chị.
Tôi lúc ấy mới vất vả chạy theo sau.
Thằng Tèo chạy được một đoạn cũng không rượt theo nữa, tôi đoán chắc phần lớn sức lực của nó dùng để vác cái tảng đá đó rồi.
Chị chạy cũng không xa lắm, tôi đang định kêu chị dừng lại thì chị đã ngồi xổm xuống. Tôi không hiểu chị bị làm sao, lại gần nhìn thì thấy chân chị đã chảy đầy máu. Đầu tôi ong ong, tôi lo lắng nhìn chị, vội hỏi: “Sao lại chảy máu thế?”
“Mẹ nó…” Chị tôi nhăn mày, tôi nghĩ chắc chắn là rất đau, thế nhưng chị lại chỉ xuýt xoa vài tiếng rồi cà nhắc vào nhà bác Hòa.
Chị nói: “Vấp phải cục đá hay cái gì ấy, bị lật móng chân luôn rồi…”
Tôi thầm thán phục cơn nhịn đau của chị, chị hầu như không chau mày quá năm giây, chị chỉ nhịn và nhịn. Có lẽ chị đã quen thuộc với cái cảm giác không một ai bảo vệ khi bản thân bị bắt nạt.
Đột nhiên tôi cảm thấy cực kì tội lỗi. Chân chị bị thương chắc chắn là nguyên nhân từ tôi mà ra, thế nhưng lời xin lỗi cứ mắc ở cổ họng không bao giờ dám thốt. Lần nào cũng thế, cũng chỉ là những cảm giác tội lỗi rồi thầm trách bản thân, sau đó chị không nhắc gì nên tôi cũng tặc lưỡi cho qua.
Thế nhưng buổi diễn văn nghệ của chị thì sao? Đã sắp tới Trung Thu, vậy mà chân chị…
Tôi dừng chân nhìn theo bóng dáng chị, chị cà nhắc đi vào sân nhà bác, bóng chị đổ dài trên nền đất, thân hình chị thì nhỏ lắm, tôi có thể áng chừng chị chỉ bằng một đốt ngón tay của tôi. Tôi thầm nắm hình bóng của chị vào lòng bàn tay, nắm thật chặt, rồi khi hạ tay xuống, bóng chị đã biến mất khỏi tầm mắt.